Nguồn gốc của chim cảnh và quy định pháp luật

Hiện tại việc nuôi dưỡng các loài động vật quý hiếm, trong đó có các loài chim đang được xem là thú vui ở nhiều tầng lớp nhân dân, và rất phổ biến. Nhiều khi đây cũng là “tài sản” rất giá trị của người dân. Vậy ông có ý kiến như thế nào về “thú vui” này?

Vì lẽ, Việt Nam là thành viên thứ 121/178 quốc gia đã tham gia Công ước CITES từ năm 1994, về bảo vệ tốt nhất hệ động, thực vật cần thiết khỏi hiện tượng khai thác quá mức thông qua buôn bán quốc tế. Chúng ta nhận thức được rằng những loài động vật và thực vật hoang dã với vẻ đẹp phong phú và đa dạng của chúng là một phần không thể thay thế của những hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất, chúng phải được bảo vệ cho thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau.

Đối với loài chim chào mào, tôi được biết thì loài này không sinh sản trong môi trường nuôi lồng, vì vậy nguồn gốc của những con chim này chỉ có thể đến bằng hai cách, thứ nhất là nhập khẩu, thứ hai là săn – bẫy trong rừng Việt Nam. Cả hai nguồn gốc này đều tiểm ẩn khả năng vi phạm pháp luật.

Luật sư Trương Anh Tú: “Nhà nước cần có quy định thống nhất mang tính luật định từ Trung ương tới địa phương, trong vấn đề xử lý các đối tượng có hành vi trộm cắp vật nuôi, thú cảnh trong nhà.” Ảnh: Sỹ Hào

Cụ thể pháp luật quy định như thế nào để bảo vệ loài Chào mào tránh khả năng bị tuyệt chủng thưa ông?

Loài chào mào có tên khoa học là Pycnonotidae đã được ghi nhận tại mục 22.6 của Công ước CITES và được Bộ NN & PTNN nước ta đưa vào danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, hai văn bản này đều ghi nhận Loài chào mào thuộc Phụ lục II là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát.

See also  5 yếu tố gắn liền với các mô hình nuôi chim cảnh

Điều 5, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 đã nghiêm cấm đối với các hành vi “Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật”.

Để vận chuyển, cất giữ hay nuôi các loài động thực vật này đòi hỏi phải có “giấy tờ chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp” nếu động vật có nguồn gốc Việt Nam, đòi hỏi phải xuất trình trước một giấy phép xuất khẩu hoặc 1 chứng chỉ tái xuất nếu chim có ngồn gốc nước ngoài, tất cả quy trình này đều phải tuân thủ các chuẩn mực và được đặt dưới sự giám sát của CITES.

Như vậy, để được sở hữu hợp pháp một động vật quý hiếm, độc đáo cũng rất công phu, nếu không cẩn thận người nuôi sẽ vi phạm hành chính thậm chí vi phạm pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 190, BLHS (sửa đổi bổ sung năm 2009) – Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Vậy vụ việc ông GĐ Sở bị mất chim chào mào, đường hướng xử lý của pháp luật cần phải như thế nào để đảm bảo khách quan?

Do loài chim chào mào thuộc loại động vật hoang dã, nên cần thiết phải xác minh nguồn gốc của chim chào mào. Trong trường hợp đây là loại chim quý hiếm trong danh sách thì ông GĐ Sở cần phải có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu không xuất trình được các loại giấy tờ này thì việc nuôi các loài chim, động vật hoang dã sẽ được xem là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính, với mức phạt từ 500.000 -10 triệu đồng theo quy định tại Điều 21 Nghị định 157/2013/NĐ-CP. Cụ thể, theo khoản 1 điều 21 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định, trường hợp người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt, lấy dẫn xuất từ động vật rừng… trái quy định của pháp luật, có giá trị dưới 7 triệu đồng (dẫu cho các loại động vật rừng này không thuộc loài nguy cấp quý, hiếm), thì vẫn bị phạt.

See also  Huấn luyện chim nhặt đồ và bay lên tay chủ đơn giản

Theo tôi cả người mất và người chiếm đoạt nhiều khả năng đều bị xử phạt hành chính theo tinh thần Điều 5, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30 – 3 – 2006 với hành vi: “Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật”.

Việc xử lý đối với “tài sản” là 3 chú chào mào của GĐ Sở bị mất trộm thì thế nào thưa ông?

Trong trường hợp không thể xuất trình được những giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc nuôi chim (“giấy tờ chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp” nếu động vật có nguồn gốc Việt Nam, hoặc “giấy phép xuất khẩu” nếu chim có nguồn gốc nước ngoài) thì chúng ta sẽ xử lý tang vật theo quy định tại Thông tư 90/2008/TT-BNN ban hành ngày 28-8-2008, theo đó tùy từng trường hợp mà chúng ta có thể xử lý như sau: Trả lại tự nhiên; trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES; Trong trường hợp bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển cho Trung tâm cứu hộ động vật tại Việt Nam. Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa..; Bán cho các vườn thú; đơn vị biểu diễn nghệ thuật; cơ sở gây nuôi sinh sản động vật …;

Chiếu theo quy định của pháp luật hình sự thì thấy, khi người nuôi không hợp pháp thì những chú chim chào mào đó không được pháp luật coi là tài sản, không phải là tài sản thì hành vi trộm cắp chiếm đoạt cũng không xâm phạm quyền sở hữu. Như vậy chúng ta sẽ không có cơ sở để xử lý về “Tội trộm cắp sản”.

Cũng tương tự như trường hợp, tòa án từng xử lý vụ việc có đối tượng lén lút lấy trộm một bánh heroin rồi đem bán. Nhưng đối tượng trộm cắp bánh heroin này đương nhiên không thể bị truy cứu về tội trộm cắp tài sản, mặc dù kẻ bị mất heroin phải bỏ ra hơn 10.000USD để mua, chưa kịp tiêu thụ thì bị mất cắp.

Như vậy, xuất phát từ vụ việc GĐ Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam bị mất chim chào mào, chúng tôi muốn nhắn gửi đến những người có thú vui sưu tập, nuôi dưỡng cái loài chim, loài động vật quý hiếm về việc cần thiết phải có nhận thức đúng đắn về việc nuôi, nhốt các loài động vật hoang dã. Tránh trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

See also  Kỹ thuật tạo ẩm nhà yến phù hợp với tập tính của yến

Tình trạng người dân nuôi các loại như họa mi, chào mào, vẹt, sáo… và các loại chim cảnh nói chung, rất phổ biến, tràn lan. Theo ông, pháp luật phải như thế nào để ngăn chặn thực trạng này?

Việc người dân nuôi nhốt bất hợp pháp các loại chim, sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật mà tôi đã viện dẫn ở trên.

Chỉ có một số rất ít loài chim cảnh có thể sinh sản trong môi trường nuôi nhốt – đối với những loại này, thì việc nuôi nhốt vì mục đích thương mại được pháp luật cho phép. Còn lại phần lớn, các loại chim cảnh đều không có khả năng sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, thì hầu hết chúng nằm trong sách đỏ, hoặc trong danh sách các loài chim được pháp luật bảo vệ, cấm bắt bẫy, nuôi nhốt – trừ trường hợp được lực lượng chức năng cho phép nuôi nhốt.

Các quy định của pháp luật Việt Nam, đều không khuyến khích hành vi nuôi nhốt động thực vật hoang dã. Riêng đối với một số loài quý hiếm, thì được đưa vào sách đỏ để bảo vệ đặc biệt, tránh nguy cơ tuyệt chủng. Đối với “phong trào” nuôi nhốt chim hiện nay, thứ nhất đã đến lúc cơ quan chức năng phải tiến hành chấn chỉnh xử lý các trường hợp vi phạm để làm gương – chứ không thể để vi phạm tràn lan đến mức người dân tưởng rằng đây là “thú vui” hợp pháp được.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, song song với việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để “bêu gương”, thì quan trọng nhất là cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục một cách thật hiệu quả, để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động thực vật hoang dã.

Trân trọng cảm ơn luật sư về ý kiến đã chia sẻ!

Sỹ Hào

Leave a Comment